https://www.hcmus.edu.vn/attachments/article/1230/TH%C3%94NG%20B%C3%81O.pdf
Category: Tin PTN Tế bào gốc
-
Mời tham dự nghiệm thu đề tài cấp trường “BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ SỰ ỔN ĐỊNH VỀ SỐ LƯỢNG NHIỄM SẮC THỂ CỦA TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ MÔ MỠ NGƯỜI TRONG NUÔI CẤY IN VITRO THỜI GIAN DÀI”
Trân trọng kính mời Thầy cô và người quan tâm đến tham dự buổi báo cáo nghiệm thu đề tài cấp trườngTên đề tài: BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ SỰ ỔN ĐỊNH VỀ SỐ LƯỢNG NHIỄM SẮC THỂ CỦA TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ MÔ MỠ NGƯỜI TRONG NUÔI CẤY IN VITRO THỜI GIAN DÀIMã số: T2017-43CNĐT: Th.S. Trương Châu NhậtThời gian: 13h00 ngày 13/07/2018 (thứ 6)tại Phòng họp 1, Toà nhà B6-1, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, KP6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM -
Stem Cell Summer 2018: thông báo số 2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP HCM
TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN
VIỆN TẾ BÀO GỐC
*********CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 06 năm 2018THÔNG BÁO SỐ 2
v/v Tổ chức chương trình Stem Cell Summer 2018Chương trình STEM CELL SUMMER 2018 gồm 2 hoạt động nhỏ: Stem Cell Summer Tour và Stem Cell Summer School.
I. STEM CELL SUMMER TOUR
- Thời gian: từ 23/7/2018 đến 03/08/2018 (2 tuần)
- Địa điểm: Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, Khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Tp.HCM
- Hình thức tổ chức:
- Stem Cell Summer Tour dành cho các em học sinh, sinh viên trong nước có mong muốn tìm hiểu hoạt động nghiên cứu, tham quan khu nghiên cứu của Viện tế bào gốc.
- Stem Cell Summer Tour gồm 2 hoạt động chính:
- (1) nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển, các thành tựu nổi bật, các hướng nghiên cứu nổi trội của Viện Tế bào gốc; kèm theo đó là định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên nếu tham gia nghiên cứu tại Viện cũng như các điều kiện cần thiết để được làm việc, học tập tại Viện Tế bào gốc.
- (2) tham quan khu nghiên cứu của Viện Tế bào gốc để được trải nghiệm môi trường nghiên cứu y sinh chuyên nghiệp với hệ thống phòng Lab cùng nhiều thiết bị tối tân, hiện đại, phục vụ cho các hướng nghiên cứu chuyên sâu.
- Số lượng học sinh, sinh viên tối đa là 20 em/buổi tham quan; Mỗi em chỉ được đăng ký tham gia 1 buổi, thời gian từ 8g-10g. Các ngày có thể đăng ký và số suất còn lại của mỗi ngày được thể hiện trong form đăng ký.
- Cách thức đăng kí:
Đăng ký online tại
https://www.vinastemcelllab.com/vi/stem-cell-summer-tour/
hoặc scan QR code
từ ngày 15/06/2018 đến 15/07/2018
II. STEM CELL SUMMER SCHOOL
- Thời gian: dự kiến từ 30/07/2018 đến 10/08/2018 (2 tuần)
- Địa điểm: Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, Khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Tp.HCM
- Hình thức tổ chức:
- Stem cell summer school là hoạt động tuyển chọn các học sinh, sinh viên trong và ngoài nước có đam mê học tập, nghiên cứu về lĩnh vực tế bào gốc, có mong muốn được tìm hiểu về tế bào gốc, được thực tập các kĩ năng chuyên môn tại các nhóm nghiên cứu của Viện Tế bào gốc, được giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, văn hóa.
- Các học sinh sinh viên được tuyển chọn sẽ tham gia vào 3 hoạt động gồm:
Tên hoạt động Nội dung 1. Bồi dưỡng lý thuyết (Dự kiến ngày 30/07/2018) a. Khai mạc và chào mừng b. Giới thiệu về Viện Tế bào gốc c. Một số quy tắt làm việc trong phòng thí nghiệm 2. Thực hành nghiên cứu (giới hạn trong khoảng thời gian diễn ra chương trình) Học tập, làm việc trực tiếp với nhóm nghiên cứu đã chọn 3. Ngoại khóa (Dự kiến ngày 05/08/2018) Giao lưu, tham quan thực tế địa đạo Củ Chi - Số lượng học viên: tối đa 20 người, được chia đều vào các nhóm nghiên cứu của Viện Tế bào gốc theo nguyện vọng của các học viên.
- Ngôn ngữ sử dụng: tiếng Anh.
-
- Cách thức đăng kí:
Đăng ký online tại
https://www.vinastemcelllab.com/vi/stem-cell-summer-school/
hoặc scan QR code
từ ngày 15/06/2018 đến 15/07/2018
CÁC MỐC THỜI GIAN DỰ KIẾN
- Cách thức đăng kí:
-
-
- 15/06/2018 – 15/07/2018: mở đăng kí online cho chương trình Stem Cell Summer Tour và Stem Cell Summer School 2018
- 16/07/2018 – 19/07/2018: tuyển chọn các hồi sơ đăng ký tham gia Stem Cell Summer School 2018
- 20/07/2018: công bố kết quả đăng kí Stem Cell Summer Tour và Stem Cell Summer School 2018
- 23/07/2018: bắt đầu chương trình Stem Cell Summer Tour 2018
- 30/07/2018: bắt đầu chương trình Stem Cell Summer School 2018
-
BTC STEM CELL SUMMER 2018
-
Viện Tế Bào Gốc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc Cartilatist cho Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh
Hôm nay, Viện Tế Bào Gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM đã kí Hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc Cartilatist cho Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Cartilatist là thuốc tế bào gốc sử dụng trong điều trị bệnh lý thoái hoá khớp và đĩa đệm cột sống. Đây là sản phẩm thuốc tế bào gốc đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu, phát triển và sản xuất.
Tế bào gốc có tiềm năng to lớn trong điều trị bệnh, đặc biệt là bệnh thoái hoá. Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định hiệu quả của tế bào gốc trong điều trị bệnh lý thoái hoá khớp và bệnh lí thoái hoá đĩa đệm. Thuốc tế bào gốc là một thế hệ mới nhất của sản phẩm tế bào gốc ứng dụng trong trị liệu. Đánh dấu sự ra đời thuốc tế bào gốc là sản phẩm thuốc tế bào gốc Prochymal (sản xuất tại Canada) (ứng dụng trong điều trị bệnh mảnh ghép chống kí chủ) và Cartistem (sản xuất tại Hàn Quốc) (thoái hoá khớp); đến nay đã có khoảng 10 sản phẩm thuốc tế bào gốc được cấp phép lưu hành và ứng dụng trên người trên toàn thế giới.
Nắm bắt xu thế đó, năm 2012, PGS.TS Phạm Văn Phúc và nhóm nghiên cứu đã bắt đầu thực hiện nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm Cartilatist. Đến năm 2016, sản phẩm Cartilatist đã hoàn thiện giai đoạn nghiên cứu chế tạo và chuyển sang giai đoạn đánh giá chất lượng.
Cartilatist là sản phẩm chứa tế bào gốc sống, được bảo quản đông lạnh. Được nghiên cứu với các công nghệ đặc biệt, sản phẩm có thể bảo quản lâu dài ở trong tủ cấp đông, sản phẩm có thể rã đông và tiêm ngay vào khớp hay đĩa đệm của bệnh nhân mà không cần thực hiện thêm một thao tác nào.
Công nghệ được chuyển giao độc quyền cho Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh trong 10 năm. Theo kế hoạch, sản phẩm sẽ được sản xuất quy mô lớn vào năm 2019, đánh giá lâm sàng vào năm 2020-2021.
Sự thành công của Cartilatist sẽ đánh dấu một bước đột phá của ngành công nghiệp tế bào gốc của Việt Nam.
Tin SCI
-
THÔNG BÁO SỐ 1 v/v Tổ chức chương trình Stem Cell Summer 2018
[pdf-embedder url=”https://vinastemcelllab.com/wp-content/uploads/2018/05/Warm-up-letter.pdf” title=”Warm-up letter”]
-
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “PHÂN TÍCH TIẾN TRÌNH BIỂU HIỆN CÁC GEN TẠO SỤN CỦA TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ TỪ TUỶ XƯƠNG THỎTRONG QUÁ TRÌNH BIỆT HÓA 3D TRÊN GIÁ THỂ POLYCAPROLACTON”
Sáng ngày 22/5/2018, tại phòng I12,Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, ThS Đào Thị Thanh Thuỷ và nhóm nghiên cứu đã báo cáo nghiệm thu xuất sắc đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường với số điểm trung bình 94,5.
Tên đề tài: « Phân tích tiến trình biểu hiện các gen tạo sụn của tế bào gốc trung mô từ tuỷ xương thỏ trong quá trình biệt hóa 3D trên giá thể polycaprolactone»
Mã số đề tài: T2017-44
Đề tài được đánh giá bởi các thành viên hội đồng, bao gồm:
Stt Họ và tên Đơn vị công tác Chức danh trong hội đồng 1 PGS.TS.BS. Văn Thế Trung Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh Chủ tịch 2 TS. Trịnh Như Thuỳ Trung tâm công nghệ sinh học Tp.HCM Phản biện 3 ThS.BS. Trần Đặng Xuân Tùng Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh Ủy viên 4 ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh Viện Tế bào gốc UV Thư ký ThS. Đào Thị Thanh Thuỷ báo cáo trước hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở
Tóm tắt nội dung đề tài: Kỹ nghệ mô sụn đang là một trong những liệu pháp đầy hứa hẹn trong điều trị các bệnh xương khớp. Kỹ nghệ mô sụn bao gồm ba thành phần quan trọng: tế bào, giá thể và tín hiệu. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tế bào gốc trung mô từ tủy xương thỏ được kết hợp với giá thể polycaprolactone được cảm ứng biệt hóa tạo sụn. Sự thay đổi về hình thái, sự biểu hiện protein ngoại bào và biểu hiện các gen tạo sụn của rBM-MSC như sox9, col1, col2, colX, acan, runx2 được đánh giá sau khi cảm ứng 7, 14, 21, 28 ngày. Kết quả cho thấy rBM-MSC có sự thay đổi về phân bố quần thể tế bào trên giá thể, biểu hiện tăng dần protein chất nền ngoại bào đặc trưng cho mô sụn. Kết quả này tương đồng với sự biệt hóa của rBM-MSC khi cảm ứng trên bề mặt bình nuôi cấy 2D. Tuy nhiên, mức độ biểu hiện các gen tạo sụn của rBM-MSC trước và sau khi biệt hóa ở điều kiện 2D và 3D có sự khác biệt rõ rệt. Trước khi cảm ứng biệt hóa, khả năng biểu hiện gen col1 và colX của rBM-MSC được tăng cường khi nuôi cấy 3D. Trong khi đó, các gen còn lại không có sự thay đổi đáng kể. Sau khi cảm ứng biệt hóa, các gen tạo sụn biểu hiện mạnh trong điều kiện 2D và 3D. Kết quả phân tích cho thấy, nhóm gen đặc trưng cho tế bào sụn trưởng thành xảy ra sớm hơn khi cảm ứng biệt hóa 3D (ngày 21) so với khi cảm ứng biệt hóa 2D (ngày 28). Những kết quả trên cho thấy khả năng biệt hóa tạo sụn được tăng cường khi cảm ứng biệt hóa 3D. Điều này hy vọng sẽ mang lại sự thành công trong việc hình thành mô sụn nhân tạo ứng dụng trong điều trị các bệnh lí về xương khớp.
ThS. Đào Thị Thanh Thuỷ cùng nhóm nghiên cứu và đồng nghiệp
(Tin SCI)
-
Viện Tế bào gốc thành lập PTN Đánh giá Hoạt tính sinh học theo chuẩn ISO17025
Nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, kiểm chuẩn các kết quả nghiên cứu, được sự tài trợ của Ngân hàng Thế Giới thông qua Dự án “Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ – FIRST” của Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM thành lập Phòng thí nghiệm Đánh giá hoạt tính sinh học theo chuẩn ISO17025 (viết tắt là LABA – Laboratory for Assessment of Biological Activity).
Trong khuôn khổ cam kết tài trợ của FIRST cho Viện Tế bào gốc, LABA là một trong những sản phẩm quan trọng của tiểu dự án này. LABA ra đời nhằm thực hiện các đánh giá hoạt tính sinh học của các chất, vật liệu… trên các dòng tế bào người và động vật. Các hoạt tính sinh học quan trọng sẽ được LABA quan tâm như hoạt tính kháng phân bào (ức chế tế bào tăng sinh), hoạt tính kích thích phân bào, hoạt tính biệt hoá tế bào, hoạt tính di chuyển của tế bào, và các thay đổi trong chuyển hoá tế bào…
LABA được đầu tư với các trang thiết bị hiện đại, chuyên dụng như:
- Thiết bị đánh giá High-content screening system
- Thiết bị đánh giá dựa vào điện trở xCELLigence RTCA system
- Automated liquid handling system (video minh họa bên dưới)
- Thiết bị đọc đĩa đa năng
- Kính hiển vi confocal
- Flow cytometer 8 màu
- Realtime PCR cycler 5 màu
…
Video demo hệ thống Automated liquid handling system của LABA
Với các thiết bị trên, LABA sẽ thực hiện hầu hết các kĩ thuật để đánh giá hoạt tính sinh học trên tế bào người và động vật, kể cả tế bào gốc và tế bào gốc ung thư. Các đánh giá nổi bật như xác định IC50, ED50 tự động; xây dựng đường cong tăng trưởng tự động; xác định apoptosis, necrosis, autophagy, đánh giá gene profile, invasive assay, migration assay, angiogenesis assay, đánh giá trên mô hình 3D, single cell analysis, xác định vai trò của gen thông qua knock out và knock down gene sử dụng siRNA, shRNA thông qua Crispr Cas9…
Tin SCI
-
Viện Tế bào gốc kí Biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở KHCN Tp.HCM về việc Phát triển Tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến
Tuần qua, Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM đã kí Biên bản ghi nhớ hợp tác với Sở KHCN Tp.HCM để phát triển Viện theo mô hình Tổ chức KHCN tiên tiến.
Căn cứ theo Kế hoạch số 519/KH-SKHCN ngày 30 tháng 3 năm 2017 của Sở KHCN Tp.HCM về việc phát triển các tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020; tuần qua, Ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở KHCN, đại diện Sở KHCN và Ông Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc, đại diện Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp.HCM đã cùng kí Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến.
Hai bên đã thống nhất các điểm sau:
– Mục tiêu của Hợp tác: Nâng cao năng lực của Viện Tế bào gốc theo hướng tiên tiến và hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.
– Nội dung Hợp tác: Nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, thương mại hoá sản phẩm; Đăng kí tiêu chuẩn ISO 17025-2005 cho Viện Tế bào gốc; Xây dựng hệ thống quản lí tài sản trí tuệ của Viện.Theo đó, Viện Tế bào gốc sẽ xây dựng các hồ sơ đáp ứng từng nội dung hỗ trợ, cam kết triển khai kế hoạch phát triển đơn vị theo các tiêu chí của Tổ chức KHCN theo mô hình tiên tiến.
Biên bản này là cơ sở cho việc triển khai các hợp tác giữa Viện Tế bào gốc và Sở KHCN Tp.HCM. Thông qua các hợp tác, hỗ trợ từ Sở KHCN Tp.HCM, Viện Tế bào gốc hi vọng sẽ phát triển thành tổ chức KHCN tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội của Tp. Hồ Chí Minh.
Tin SCI
-
Hai Tạp chí Khoa học của Viện Tế bào gốc được thêm vào danh sách của Scopus
Hai Tạp chí Khoa học của Viện Tế bào gốc được thêm vào danh sách của Scopus từ tháng 04.2018
Theo thông tin từ Scopus, ngày hôm qua, danh mục các tạp chí thuộc danh mục Scopus (tập đoàn xuất bản Elsevier) cập nhật đến tháng 04.2018 có 2 tạp chí của Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Tp.HCM gồm Biomedical Research and Therapy (ISSN 21984093); và Progress in Stem Cell (ISSN 21994633).
Nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản khoa học công nghệ tại Viện và tại Việt Nam, từ năm 2014 Viện Tế bào gốc đã xây dựng 02 tạp chí khoa học chuyên ngành, bao gồm Tạp chí Biomedical Research and Therapy (www.bmrat.org) xuất bản các công trình khoa học công nghệ về y sinh học, sinh học, y học; và Tạp chí Progress in Stem Cell (www.cellstemcell.org) xuất bản các công trình khoa học công nghệ về tế bào, tế bào gốc.
Tạp chí Biomedical Research and Therapy
Tạp chí Biomedical Research and Therapy sau 2 năm xuất bản, tạp chí đã được chọn vào danh mục Emerging Sources Citation Index (ESCI) của Web of Science từ tháng 11/2016. Tạp chí liên tục phát triển từ năm 2014 đến nay với gần 300 bài báo được xuất bản, số lượt trích dẫn ngày càng tăng; số lượt truy cập vào website tạp chí tăng trưởng liên tục. Đến tháng 04/2018, tạp chí được thêm vào danh mục tạp chí của Scopus. Như vậy đến nay, tạp chí đã được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu lớn Web of Science, Scopus, Embase, CABI, Scilit, Google Scholar…
Tạp chí Progress in Stem Cell đã được chọn vào danh mục cơ sở dữ liệu y sinh toàn cầu Embase vào năm 2015, chọn tuỳ theo bài vào Pubmed vào năm 2016. Tháng 04/2018, Tạp chí được chọn vào danh mục Scopus.Tạp chí Progress in Stem Cell
Thông tin của Danh mục các tạp chí thuộc Scopus từ tháng 04.2018 tại đây: https://www.elsevier.com/solutions/scopus/content
Hoặc download trực tiếp tại đây: Download the Source title list
Các tác giả được đăng bài miễn phí trên tạp chí Progress in Stem Cell và tác giả Việt Nam sẽ được giảm 40% phí đăng bài trên Tạp chí Biomedical Research and Therapy.
Từ năm 2018, Viện xuất bản thêm Tạp chí mới là Progress in Biology và Tạp chí Asian Journal of Health Sciences. Hai tạp chí mới này công bố miễn phí 100% các bài được nhận đăng đến hết năm 2018.
-
Viện Tế bào gốc nhận khoản tài trợ hơn 2 triệu USD từ Dự án FIRST, Bộ KHCN
Hôm nay, ngày 02 tháng 05 năm 2018, tại Ban Quản lý Dự án – “Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ – FIRST”, Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST và Viện Trưởng Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM đã kí kết Thoả thuận Tài trợ của Dự án FIRST cho Viện Tế bào gốc trị giá 2,2 triệu USD tương đương 50,4 tỉ đồng.
Ngày 27 tháng 04 năm 2018, Bộ KHCN đã kí Quyết định số 1076/QĐ-BKHCN phê duyệt Thoả thuận tài trợ cho Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM thuộc Tiểu hợp phần 2a “Khoản tài trợ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” của Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ”.
Quyết định nêu rõ: Khoản tài trợ của Dự án FIRST cho Viện Tế bào gốc phục vụ cho tiểu dự án: “Nâng cao năng lực tự chủ thông qua nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc phục vụ điều trị một số bệnh trên người”. Dự án FIRST tài trợ 100% từ nguồn gốc IDA, với tổng mức tài trợ là 2,2 triệu USD; tương đương 50,4 tỉ đồng.
Theo đó, hôm nay, ngày 02 tháng 05 năm 2018, tại Ban Quản lý Dự án – “Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ – FIRST”, Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST (Ông Lương Văn Thắng) và Viện Trưởng Viện Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Tp.HCM (Ông Phạm Văn Phúc) đã kí kết Thoả thuận Tài trợ của Dự án FIRST cho Viện Tế bào gốc trị để thực hiện Quyết định trên và triển khai tiểu dự án.
Tại buổi lễ kí kết, hai bên đã trao đổi một số công việc cần triển khai để thực hiện tiểu dự án đúng tiến độ và đạt kết quả tốt.
Tin SCI